Công nhân “khát” tăng ca Thứ bảy, 05/05/2012, 10:45 GMT+7 Trước đây, tăng ca trở thành nỗi ám ảnh của công nhân nhưng nay họ lại mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập trong thời kỳ khó khăn
Đã gần 19 giờ, song trước cổng KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức - TPHCM) vẫn tấp nập công nhân (CN) ra vào. Người thì vừa tan ca, người thì chuẩn bị vào ca.
Nhiều CN tan ca chưa vội về mà tụ tập ăn uống, nói chuyện rôm rả sau những giờ làm việc căng thẳng. “Cứ sau giờ tan ca là tôi cùng bạn bè hay nán lại để “tám” chuyện và rủ nhau ăn lót dạ trước khi về phòng trọ”- chị Nguyễn Thị Ngọc, CN Công ty Nissei Electric Việt Nam, cho biết.
Áp lực kiếm tiền Chị Ngọc mới làm ở công ty 3 tháng nhưng lương của chị đã xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng. “Để có được mức thu nhập ấy, tôi phải tăng ca “mờ” cả mắt. Nhưng không tăng ca thì không có dư để gửi về phụ giúp gia đình” - chị Ngọc chia sẻ. Chị Ngọc tính toán, lương căn bản hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền phòng đã mất 600.000 đồng, tiền nước 30.000 đồng, tiền điện 20.000 đồng; rồi tiền ăn, tiền sinh hoạt phí, tính sơ sơ cũng “ngốn” hết 2 triệu đồng. “Đó mới chỉ là những chi tiêu tối thiểu trong cuộc sống hằng ngày vì cái gì cũng đắt đỏ”- chị Ngọc ngao ngán.
Công nhân Đặng Thị Thanh Quyên (thứ 2, từ trái sang) cùng nhóm bạn sau giờ tan ca lúc gần 20 giờ
Không phải bận tâm tiền nhà trọ vì được ở miễn phí tại khu lưu trú của công ty nhưng đối với Đặng Thị Thanh Quyên, CN Công ty Nissei Electric Việt Nam, lại có nỗi lo khác. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tỉnh Phú Yên, Thanh Quyên vào TPHCM mưu sinh khi mới 18 tuổi. “Kinh tế gia đình dựa vào mấy sào ruộng; ba má tuổi cũng đã lớn, không làm lụng được nhiều nên ngày nào tôi cũng “xung phong” tăng ca để có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Bạn bè tôi làm CN cũng thường xuyên tăng ca để kiếm thêm thu nhập”- Thanh Quyên cho hay.
“Thích” tăng ca hơn giải trí Gần 20 giờ, chúng tôi tìm đến khu Việt Lập (xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Khảo sát một vòng các dãy phòng trọ, một điều khiến nhiều người phải trăn trở là vì áp lực kiếm tiền, CN sẵn sàng từ chối những buổi giải trí, sinh hoạt công cộng để tăng ca. Nhiều CN giải thích: “Tăng ca vừa có thêm tiền gửi về quê cho gia đình; còn vui chơi, giải trí chỉ tốn kém”. Một cán bộ công đoàn (CĐ) tại KCX Linh Trung 1 cho biết nhiều CN vừa háo hức đăng ký tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe hôm trước thì hôm sau đã tự động rút lui vì “muốn” tăng ca.
Gặp chị Nguyễn Thị Liên, CN Công ty Việt Vương (quận 12 – TPHCM), tại phòng trọ những ngày gần lễ 30-4 lúc chị vừa tăng ca về. Nghe chúng tôi hỏi chuyện đi chơi lễ, chị Liên cười: “Thông thường CN ở gần thì hay về quê dịp lễ, còn tôi ở tận Nghệ An nên không về. Còn đi chơi thì chắc không vì ngày lễ giá cả thường rất cao”.
Khi hỏi có xem ti vi, đọc sách báo hay giải trí gì không, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu. Giải trí không, người yêu không, việc học tập hay thăng tiến là điều quá cao vời nên chị Liên chỉ còn biết… đi ngủ. “Tăng ca về tới phòng trọ là đuối rồi nên chỉ muốn ngủ sớm để lấy sức, lại đỡ tốn điện”- chị Liên bộc bạch.
Không phải muốn là được Theo chị Nguyễn Thị Thủy, CN Công ty Freetrend, hầu hết CN đều rất “khát” tăng ca nhưng không phải muốn tăng ca là được. Chị Trần Thị Thúy Hồng, cán bộ CĐ Công ty Freetrend, giải thích: CN có nguyện vọng tăng ca nhưng điều đó rất khó cho doanh nghiệp. Bộ Luật Lao động đã quy định, ngành may chỉ được tăng ca tối đa 300 giờ/năm. Ngoài ra, khách hàng của công ty cũng yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ làm việc nên CN muốn làm thêm giờ nhiều hơn quy định là không thể.
Còn ông Phạm Duy Bắc, cán bộ CĐ các KCN-KCX TPHCM, cho hay lương căn bản của người lao động trong các KCN - KCX qua các năm đều được điều chỉnh tăng, nhưng do giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn làm cho tiền lương thực tế của người lao động giảm sút. Do vậy, phần lớn CN đều muốn làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, việc giữ đơn hàng cũ và tìm kiếm đơn hàng mới là điều không đơn giản đối với doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể làm cho CN càng thêm khan việc.
CONG TY TNHH NUT AO TON VAN
Người viết : Bài và ảnh: Phan Anh
|
Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn |