"Ông tiên" mang lại nụ cười

Thứ hai, 10/09/2012, 11:16 GMT+7

TT - Rất nhiều người dân Việt Nam đã gọi bác sĩ Tadashi Yamamoto là “ông tiên”. Bởi ông đã mang đến nụ cười cho con em họ qua việc phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí cho hàng trăm trẻ em...

Tấm danh thiếp của bác sĩ Tadashi Yamamoto (giáo sư - bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Toyohashi, tỉnh Aichi, Nhật Bản) hơi lạ: những con chữ Braille (chữ nổi) nằm song song với chữ in, để ngay cả người khiếm thị cũng có thể liên lạc với ông khi cần. Và cũng với sự quan tâm, hết mình vì bệnh nhân ấy, suốt 18 năm qua, vị bác sĩ 68 tuổi này năm nào cũng sang Việt Nam chữa trị bệnh miễn phí cho hơn 500 trẻ em từ Bắc chí Nam.

Đồng cảm

“Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê tại Nhật, giống hệt như những nơi tôi đến ở Việt Nam vậy, ở đâu cũng có những đứa trẻ bị sứt môi và bị xã hội hắt hủi. Chính vì thế, tôi hiểu rất rõ nỗi buồn của các em và cả các bậc cha mẹ nữa!” - bác sĩ Yamamoto mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng lời tâm sự trên. Chính vì sự đồng cảm này, một năm cứ 2-3 lần ông Yamamoto lại tự bỏ tiền túi, mua vé máy bay, tìm đến các vùng thôn quê, núi cao ở Việt Nam để phẫu thuật tạo hình miễn phí cho những đứa trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch. Đồng thời, ông còn tặng thêm cho mỗi em 300.000 đồng. Với định kiến xã hội nặng nề ở vùng sâu vùng xa về trẻ bị sứt môi, có thể nói sự giúp đỡ của ông đã làm thay đổi cả cuộc đời của hàng trăm em bé nghèo bất hạnh. Từ chỗ chỉ cúi gằm mặt, chạy trốn khi gặp người lạ, giờ thì mỗi khi chụp hình, đứa trẻ nào cũng hào hứng ôm chầm lấy ông, nhìn thẳng vào ống kính cười toe với trọn vẹn niềm vui.

Mà đâu chỉ có vậy, sau khi hoàn tất công việc, cởi chiếc áo blouse trắng và ống nghe, người đàn ông có gương mặt phúc hậu này tiếp tục khoác lên mình chiếc mũ của chàng hề, cái mũi đỏ thật to và tự mình biểu diễn ảo thuật cho các em xem, làm bé nào cũng cười nghiêng ngả thán phục. Bà Nguyễn Thị Vàng (một người dân có con được bác sĩ mổ tại Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Tụi tui ở đây coi ông Yamamoto như ông tiên vậy. Ông phúc hậu, dễ thương lắm, lại rất thương tụi nhỏ.”

Bác sĩ Yamamoto thăm khám cho một bệnh nhi

 

“Bác sĩ không có nghĩa là chỉ chữa bệnh”

"Nếu như bác sĩ chỉ chăm chăm vào các bệnh viện lớn, chữa cho bệnh nhân giàu có, họ sẽ không cảm nhận được hết trách nhiệm quan trọng của mình với xã hội"

Bác sĩ
TADASHI YAMAMOTO

Không chỉ chữa bệnh, đều đặn năm nào cũng vậy, bác sĩ Yamamoto đều tự mình xin các trang thiết bị y tế từ bệnh viện, bạn bè tại Nhật để gửi đến Việt Nam. Nhận được thiết bị rồi, không chuyển đi ngay, ông còn cẩn thận thuê người kiểm tra, sửa chữa lại kỹ lưỡng từ sợi dây điện, bóng đèn, thử nghiệm lại hoàn chỉnh quy trình vận hành máy móc rồi mới chuyển sang Việt Nam. Số lượng thiết bị gửi sang đến nay tổng cộng là sáu container, trị giá hơn 10 tỉ đồng. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã được ông tặng trang thiết bị hỗ trợ thêm cho các phòng mổ với đầy đủ đèn mổ, giường mổ, máy gây mê, máy đo điện tâm đồ vào năm 2002, đến nay sau 10 năm, các thiết bị này vẫn hoạt động tốt và đã giúp bệnh viện tăng cường số ca mổ từ khoảng 3.000 ca lên gần 10.000 ca.

Ngay trong cách thức khám chữa bệnh, bác sĩ Yamamoto cũng có quan điểm chuyển giao, truyền nghề rất rõ ràng: “Tôi không muốn các bác sĩ Việt Nam chỉ đứng xem nên luôn thực hiện cùng với họ từng phần một, để họ biết được các kỹ thuật này và có thể tự làm được ngay cả khi không có tôi”. Cứ thế, suốt 18 năm qua, bác sĩ Yamamoto đã trở thành người thầy đáng kính của nhiều thế hệ bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Trường đại học Y dược Huế, Viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội... Không những vậy, với uy tín của mình hằng năm ông Tadashi Yamamoto còn mời thêm các đoàn y bác sĩ, sinh viên thực tập từ Bệnh viện Đa khoa Toyohashi (Nhật Bản), Đại học Chonbuk (Hàn Quốc) đi khám chữa bệnh tại các tỉnh xa của Việt Nam.

“Nếu như bác sĩ chỉ chăm chăm vào các bệnh viện lớn, chữa cho bệnh nhân giàu có, họ sẽ không cảm nhận được hết trách nhiệm quan trọng của mình với xã hội và nhất là không trải qua được sự xúc động vô bờ khi nhận được những tình cảm hết sức chân thành của người dân nghèo” - ông Yamamoto cho biết. Có lẽ vì thế mà trong đoàn, ông thường ưu tiên cho nhiều bác sĩ còn rất trẻ, như một cơ hội để họ trải nghiệm cuộc sống gần gũi nhất với bệnh nhân tại các vùng thôn quê. Nhiều người đã trở lại Việt Nam nhiều lần, từ khi còn là sinh viên đến lúc thành bác sĩ trong bệnh viện.

Ngôi nhà nhỏ của một trái tim lớn

Nhiều người khi nhìn hoạt động của ông Yamamoto tại Việt Nam thường nghĩ hẳn ông phải là triệu phú, thậm chí tỉ phú ở Nhật. Ít ai biết được dù là một giáo sư nổi tiếng, vợ chồng ông chỉ sống khiêm tốn trong một căn hộ tập thể nhỏ xíu, nơi mà tất cả tranh, ảnh (quà lưu niệm được người Việt Nam tặng) đều phải xếp lại ken chật ở tầng gác mái, không thể treo lên vì không có khoảng tường nào đủ rộng.

“Nhà của tôi ở Nhật rất bé, nhưng không sao, tôi có cả một gia đình lớn khác ở Việt Nam!” - ông hài hước nói. Mà quả thật, gần như toàn bộ tiền bạc kiếm được ông đều dồn hết cho việc khám chữa bệnh, mua trang thiết bị gửi đến Việt Nam. Kể cả hiện giờ, dù đã về hưu được ba năm, chỉ còn nhận một khoản lương hưu ít ỏi, sức khỏe có yếu đi, ông vẫn mặc kệ những lời khuyên can, ngày ngày tìm mọi cách chắt chiu, hằng năm tự chi tiền túi sang Việt Nam làm việc, khám bệnh không ngừng nghỉ. “Đối với tôi, phần thưởng lớn nhất là những nụ cười của trẻ em, vậy là đủ!” - ông cười hiền từ cho biết.

Giáo sư Yamamoto (thứ 5, phải sang) Ông Tôn Thạnh Nghĩa (thứ 3, phải sang) cùng đoàn bác sĩ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Quảng Nam năm 2006.

 

Trong mắt mọi người

Ân nhân của gia đình em

Bác sĩ Yamamoto là ân nhân của cả gia đình em. Với dị tật của mình, lại là con gái, nhiều lúc buổi tối ngồi rửa chén ở sau nhà mà em rớt nước mắt vì tủi thân, ngay cả ba mẹ em cũng rất buồn và luôn lo lắng về chuyện chồng con sau này của em. Tuy nhiên, khi bác sĩ đến và chữa bệnh cho em thì từ từ em đã có thể nói được, ăn được và thấy tự tin hơn rất nhiều, vì mình đã trở thành một người bình thường trong xã hội. Em biết nước mình còn nghèo và còn nhiều bạn cũng bị dị tật như thế này nên em rất mong bác sĩ Yamamoto và các bạn của ông sẽ giúp nhiều người nữa được hạnh phúc như em.

NINH THỊ MỸ LINH (một bệnh nhân ở Quảng Nam)

Biết ơn ông vì tình yêu Việt Nam

Tôi gặp ông Yamamoto lần đầu tiên khi đi làm phiên dịch cho đoàn bác sĩ tại Bến Tre, sau đó tôi đánh liều gợi ý ông về giúp đỡ trẻ em quê tôi ở Tiên Phước, Quảng Nam. Tưởng chỉ là nói chơi, ai ngờ năm sau ông vác balô qua Việt Nam, đến Tiên Phước chữa bệnh và gắn bó luôn sau 18 năm. Điều tôi cảm thấy kính trọng và biết ơn ông Yamamoto nhiều nhất chính là tình yêu Việt Nam, ông làm mọi thứ dành cho Việt Nam với sự trân trọng và quan tâm rất chu đáo, đặc biệt, và tất nhiên chưa bao giờ đòi hỏi lại bất cứ sự bù đắp hay danh tiếng nào.

Ông TÔN THẠNH NGHĨA
(một mạnh thường quân đồng hành cùng
chương trình khám chữa bệnh của ông Yamamoto suốt 18 năm
)

Một vị bác sĩ giỏi và đức độ

Suốt hơn 10 năm qua, bác sĩ Yamamoto đã hỗ trợ cho bệnh viện của chúng tôi rất nhiều trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác điều trị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ lên rất nhiều. Đặc biệt, do hằng năm đoàn của bác sĩ đều đến bệnh viện để phẫu thuật cho các bệnh nhân bị sứt môi, hở hàm ếch nên cũng phần nào chuyển giao được kỹ thuật này cho các bác sĩ của chúng tôi. Có thể nói, ông Yamamoto là một bác sĩ có đức độ và rất giỏi về chuyên môn. Hàng trăm trẻ em ở đây có lại được nụ cười đều nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bác sĩ Tadashi Yamamoto.

Ông PHẠM NGỌC ẨN
(giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam)

Tôi gọi bác sĩ là thầy

Tôi từng là một du học sinh ở Nhật, tình cờ quen biết bác sĩ Yamamoto tại Nhật và nhận được sự giúp đỡ của bác sĩ rất nhiều. Khi gặp ông, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tại sao một người nước ngoài xa lạ lại có trái tim quan tâm đến những trẻ em nghèo khó bất hạnh tại nước mình đến thế, trong khi tôi chính là người Việt Nam thì chưa làm được gì nhiều. Vì thế, mỗi lần bác sĩ sang Việt Nam làm từ thiện là tôi xin nghỉ phép, gác lại hết công việc để đi theo làm một “chân” thư ký. Tôi gọi bác sĩ là thầy, vì qua những chuyến đi, ông đã dạy cho tôi những bài học rất đẹp về yêu thương và chia sẻ trong cuộc đời này.

Kiến trúc sư TRẦN NGỌC THẮNG

Ông Bụt ở xứ sở hoa anh đào

tonvanshellbuttons.com.vn


Người viết : ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐỖ PHI


Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn