8 công ty lớn bị hủy hoại bởi nhà sáng lập

Thứ tư, 20/02/2013, 10:43 GMT+7

(tonvanshellbuttons.com.vn) - BlackBerry, Dell, Best Buy... là những tên tuổi lớn bị chính nhà sáng lập làm tụt dốc với những sai lầm và dự án thất bại.

Dựa vào Sở giao dịch chứng khoán Mỹ, hãng tin 24/7 Wall St. đưa ra danh sách các công ty lớn có niêm yết cổ phiếu bị hủy hoại bởi chính nhà sáng lập.

1. Dell

Nhà sáng lập: Michael Dell

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 13,97%

Năm thành lập: 1984

Thị phần máy tính toàn cầu của Dell giảm từ 15,9% năm 2006 xuống còn 10,7% vào năm 2012. Cổ phiếu hãng máy tính này không chỉ giảm 30% trong năm 2011, mà tổng cộng đã mất tới 59% trong 5 năm qua. Quý III/2012, doanh thu của Dellgiảm từ 15,4 tỷ USD xuống còn 13,7 tỷ USD. Lợi nhuận cũng mất gần một nửa xuống còn 475 triệu USD so với cùng kỳ. 

Việc khách hàng chuyển sang yêu thích máy tính bảng và điện thoại thông minh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh Dell.Michael Dell thành lập Dell năm 1984 khi ông mới 19 tuổi và còn là sinh viên đại học. Tới năm 2001, Dell trở thành nhà cung cấp hệ thống máy tính lớn nhất thế giới. Năm 2004, Michael Dell từ chức và trở lại vào tháng 2/2007.  Khi đó, công ty này đã bất đầu không còn hấp dẫn đối với khách hàng trên thị trường máy tính cạnh tranh khốc liệt.

Không chỉ mất thị phần, Dell còn bị giới chức trách chú ý. Năm 2010, công ty này bị Sở giao dịch chứng khoán Mỹ phạt 100 triệu USD, Michael Dell bị phạt 4 triệu USD với các cáo buộc liên quan tới gian lận kế toán.

2. Chesapeake Energy

Nhà sáng lập: Aubrey McClendon

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: Dưới 1%

Năm thành lập: 1989

Kể từ khi đồng sáng lập công ty khí đốt Chesapeake Energy, CEO Aubrey McClendon nổi tiếng với mức lương thưởng khủng và những khoản đầu tư lớn vào công ty. Năm 2008, McClendon bị thua lỗ lớn sau khi vay tiền để mua một lượng lớn cổ phiếu của chính Chesapeake Energy. Cùng năm đó, Chesapeake Energy phải trả lương cho McClendon tới 100 triệu USD.

Tháng 4/2012, ông bị điều tra vì dùng cổ phần của mình trong công ty để vay 1,1 tỷ USD trong 3 năm, đồng thời quản lý một quỹ đầu cơ dầu mỏ trị giá 200 triệu USD. Tháng 5/2012, McClendon bị hội đồng quản trị của Chesapeake buộc thôi chức chủ tịch.

Doanh thu quý III/2012 của công ty cũng giảm xuống 3 tỷ USD từ 4 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận công ty âm 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011 là 922 triệu USD.

3. Martha Stewart Living Omnimedia

Nhà sáng lập: Martha Stewart

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 86,7%

Năm thành lập: 1997

Công ty truyền thông Martha Stewart Living Omnimedia hiện đang phải vật lộn để tồn tại khi khách hàng của hãng dần lão hóa trong khi công ty này lại phụ thuộc quá nhiều vào tạp chí giấy.

Năm 2004, hình ảnh của Martha Stewart bị hủy hoại nghiêm trọng khi bà bị cáo buộc lạm dụng thông tin nội bộ để bán tháo cổ phiếu công ty nghiên cứu dược phẩm Imclone trước khi cổ phiếu này mất giá. Dù thực hiện chiến dịch trở lại hoành tráng, mọi nỗ lực của Martha Stewart vẫn không thể vực dậy công ty.

Kể từ năm 2007, công ty này liên tục thua lỗ. Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân khiến công ty này tụt đốc. Kể từ khi thành lập, Martha Stewart Living Omnimedia có tới 5 giám đốc điều hành và 5 giám đốc tài chính.  

4. BlackBerry

Nhà sáng lập: Mike Lazaridis

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 5,7%

Năm thành lập: 1984

Mike Lazaridis, nhà đồng sáng lập BlackBerry (trước là Research In Motion) năm 1984 và giữ vị trí đồng CEO cùng Jim Balsillie, cho tới tháng 1/2012. Cả hai là những nhà tiên phong trong cuộc cách mạng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, Lazaridis đã không chuẩn bị kỹ càng cho BlackBerry trước cơn bão cạnh tranh từ Apple và Samsung. Sai lầm lớn nhất của Lazaridis (cũng là lý do kết thúc nhiệm kỳ của ông tại BlackBerry) chính là máy tính bảng PlayBook.

Trong quý III/2012, thị phần trên thị trường thiết bị di động toàn cầu của BlackBerry giảm xuống còn 5,3% từ 11% cùng kỳ năm trước.

5. Countrywide Financial

Nhà sáng lập: Angelo Mozilo

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 1,5%

Năm thành lập: 1968

Trong thời đỉnh cao, dưới sự lãnh đạo của cựu CEO Angelo Mozilo, công ty tài chính Countrywide Financial cho vay thế chấp rủi ro cao trong giai đoạn bong bóng nhà đất, giúp công ty tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2006, công ty này chiếm tới 20% thị trường cho vay thế chấp tại Mỹ.

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đóng băng, các con nợ phá sản, Countrywide cũng sụp đổ. Cuối cùng, vào năm 2008, công ty này được bán cho Bank of America với giá 4 tỷ USD và Mozilo cũng bị sa thải sau vài tháng.

Sau đó, công ty này còn bị kiện vì tội lừa đảo nhiều người vay các khoản thế chấp mà họ không thể trả được. Mozilo cũng bị điều tra bởi cáo buộc liên quan tới việc một số quan chức chính phủ và nhà chính trị được cho vay thế chấp với điều khoản ưu đãi chỉ bởi họ là bạn của ông.

Năm 2010, Mozilo bị phạt 67 triệu USD vì lợi dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu. Hiện ông bị cấm vĩnh viễn đối với vị trí điều hành của công ty niêm yết cổ phiếu.

6. Groupon

Nhà sáng lập: Andrew Mason

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 19,5%

Năm thành lập: 2008

Tháng 8/2011, Groupon đã phải sửa lại các báo cáo tài chính của mình sau khi cơ quan điều tra và giới phân tích phát hiện ra những gian lận kế toán. Đầu năm 2012,Groupon cũng bị buộc phải thay đổi báo cáo tài chính khi công ty này khai tăng lợi nhuận tới 20 triệu USD.

Những lý do này cộng với việc kinh doanh chính sa sút, khiến giá cổ phiếu Groupon tụt dốc. Hiện giá cổ phiếu của công ty này chỉ bằng một phần tư so với mức giá niêm yết lần đầu 20 USD.

Sự việc đã không trở nên tồi tệ như vậy nếu như năm 2010 công ty này không từ chối đề nghị mua lại với giá 6 tỷ USD của Google. Nhiều người cho rằng Mason không đủ chín chắn để điều hành một công ty với quy mô như vậy. Ông thậm chí còn uống bia trong các cuộc họp công ty.

7. American Apparel

Nhà sáng lập: Dov Charney

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 43,3%

Năm thành lập: 1989

Dov Charney thành lập và điều hành công ty thời trang American Apparel từ căn phòng kí túc xá của mình tại đại học Tufts vào cuối những năm 1980. 20 năm sau, vào 2008, American Apparel có hơn 6.700 nhân viên và 197 cửa hàng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, những quảng cáo hấp dẫn và việc mở rộng nhanh chóng không thể giúp giải quyết những vấn đề của công ty này. Năm 2009, Cơ quan Nhập cư và Thực thi Hải quan (ICE) Mỹ cho biết có tới 25% lao động của chi nhánh công ty tại Los Angeles là người nhập cư bất hợp pháp.

Năm 2011, Charney dính tới 2 vụ kiện lạm dụng tình dục. Tháng 12 năm đó, một cựu nhân viên quản lý cửa hàng buộc tội Charney bóp cổ và ném bụi bẩn vào mặt mình. Charney đã phủ nhận tất cả cáo buộc về cư xử sai trái của mình. American Apparel cũng đang phải vận lộn để tồn tại với khoản lỗ trong 12 tháng qua.

8. Best Buy

Nhà sáng lập: Richard Schulze

Tỷ lệ cổ phần biểu quyết: 20,24%

Năm thành lập: 1966

Nhà sáng lập Richard Schulze của Best Buy đang phải vật lộn để duy trì công ty bán hàng qua truyền hình Best Buy khi khách hàng của thị trường này đang dần chuyển sang trực tuyến. Việc kinh doanh của Best Buy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự lớn mạnh của các công ty bán hàng trực tuyến như Amazon.com. Trong quý IV/2012, Best Buy lỗ 10 triệu USD khi doanh thu giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Schulze bị chỉ trích nghiêm trọng khi liên quan tới vụ bê bối tình dục trong công ty. Ông còn bị điều tra về việc đã không báo cáo vụ việc này khi phát hiện ra. Ngay sau cuộc điều tra, Schulze đã tuyên bố nghỉ hưu.

tonvanshellbuttons.com.vn


Người viết : Theo Hoài Thu Zing/Infonet/Wallst 247


Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn