Cân đối kinh tế vĩ mô vẫn là bài toán khó Thứ ba, 12/03/2013, 13:38 GMT+7 Việt Nam và nhiều nước đang trong giai đoạn cố gắng duy trì điểm cân bằng của một thế giới đa cực hơn trong thế lực đang lên và những thế lực già cỗi nhưng vẫn chiếm vị trí đầu tàu; muốn một thế giới cân bằng hơn giữa già và trẻ, bởi cấu trúc dân số thay đổi lớn, trong khi vẫn phải vật lộn với rủi ro, bất ổn. Đánh giá 2012, đầu 2013, về chính sách, có ba cái đúng. Một là, chưa bao giờ chúng ta kiên gan với ổn định kinh tế như thế. Hai là, chúng ta đã nhận ra được phải thay đổi cách thức phát triển. Ba là, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước lại quyết tâm với hội nhập như bây giờ. Không chỉ hội nhập kinh tế, tới đây sẽ là hội nhập toàn diện, tiếp tục đàm phán với những đối tác mạnh nhất, tự do hóa với chất lượng cao nhất. Cái chưa được là mọi thứ đều dở dang. Rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn rất lớn, tổng phương tiện thanh toán tăng tới 24% nhưng cung tiền theo tín dụng tăng rất thấp. Nếu chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp (DN) quá đà, tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng không khéo, bất ổn sẽ quay lại, niềm tin mất đi. Nhưng nếu làm không đủ mạnh sẽ lại như Nghị quyết 13, đến nay đánh giá là tác động vô cùng yếu ớt. Mặt khác, ngân sách cực kỳ khó khăn trong bối cảnh áp lực chi vẫn rất cao, dù Quốc hội đã đồng ý phát hành 45 tỷ đồng và chấp nhận cho các tỉnh phát hành trái phiếu. Rủi ro lớn nhất năm nay là hệ thống ngân hàng, nợ xấu xử lý chưa được bao nhiêu và vẫn tiếp tục tăng lên, liên quan đến cả các ngân hàng lớn, chứ không chỉ vài ngân hàng nhỏ như Đại Tín, Toàn Cầu... Nhìn sâu hơn, cú sốc suy thoái kinh tế vẫn còn, mà kích thích kinh tế rất mâu thuẫn. Chính phủ năm nay chỉ đạo nhanh hơn, quyết liệt hơn với Nghị quyết 01, 02, chú trọng hơn không chỉ bên cung mà còn cả bên cầu, kể cả đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cân đối kinh tế vĩ mô vẫn là bài toán khó vì chúng ta vẫn chưa biết phản ứng của thị trường thực như thế nào. Một cái nữa chưa làm được là vấn đề phối hợp chính sách. Sáu tháng đầu năm 2012, chúng ta chặn cả tài khóa, chặn tiền tệ dẫn đến tiền tệ âm nặng, tài khóa "ăn Tết" dài không chịu bung ra. Sáu tháng cuối năm lên được 5 %, phần lớn là do đầu tư công, ngân hàng có chút tăng trưởng chứ còn DN vẫn hết sức khó khăn. Tháng 1/2013, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, số DN giải thể cao hơn số DN mới thành lập, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 1,1%, tồn kho tăng lên... Dự thảo Hiến pháp có một bước tiến, không đặt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nòng cốt và tương đối bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, bản thông qua chương trình tái cấu trúc DNNN vẫn cho đó là công cụ chủ đạo của kinh tế nước nhà. Một khi chưa có những thay đổi cơ bản thì không hy vọng thay đổi được tổng thể. Cách làm kinh tế năm 2013 không có gì mới, vẫn tiếp tục con đường của năm 2012 nhưng cố gắng lấy lại được niềm tin, cố gắng làm thật, cố gắng ổn định, cố gắng hồi phục, đi vào tái cấu trúc. Cùng với giải quyết nợ xấu, hi vọng năm nay có mấy "quả pháo nổ” khá là to về tái cấu trúc DNNN để người dân thấy được là thực sự chúng ta bắt tay vào làm,một yếu tố quan trọng gắn với trách nhiệm để ổn định kinh tế vĩ mô. Với DN ngoài nhà nước, nhìn về góc độ cải tổ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, có bốn điều quan trọng cần phải học. Thứ nhất, học cách sống với các cú sốc. Giảm cú sốc, DN phải giảm tính bất định bằng tính xác định. Thứ hai, học cách cạnh tranh. Nhưng thế giới đang thay đổi cách cạnh tranh, cho nên, phải học cách kết nối. Thứ ba, học tài chính. Không chỉ là cân đối tài sản, dòng tiền của mình mà còn phải hiểu được thế giới tài chính, thế giới tài phiệt hiện nay rất tinh xảo. Trước kia nói trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng là nhất rồi, bây giờ những trò chơi về huy động vốn, giám sát huy động vốn đã khác biệt hoàn toàn. Thứ tư, học ý tưởng phát triển mới. Trước đây, ý tưởng phát triển là chỉ nói đến vấn đề phát triển bền vững, vấn đề xã hội. Nhưng ngày nay, đó là sự sống còn của DN, tức là phải thực hơn, phải xanh hơn và trách nhiệm xã hội cao hơn. Đó là sự sống còn của sản phẩm của DN. Đấy là bốn học quan trọng nhất trong cải tổ đối với DN. Người viết : DNSG
|
Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn |