Tin tức & sự kiện

Ông Bụt ở xứ sở hoa anh đào

Thứ năm, 07/06/2012, 15:32 GMT+7

Mười năm nay, năm nào vị giáo sư - bác sĩ già Yamamoto Tadashi  (Bệnh viện Toyohashi, Nhật Bản) cũng trở về Quảng Nam. Mối “lương duyên” giữa ông và đất Quảng đã mang nụ cười cho hàng trăm bệnh nhân. Nhiều người gọi giáo sư Yamamoto Tadashi là “ông Bụt”.

Người đi tìm “nụ cười đã mất”

Mười sáu năm qua cô gái người CaDong Nguyễn Thị Á sống trong nỗi buồn tủi và sự xa lánh, hắt hủi của dân làng. Em không biết vì sao khuôn mặt mình lại quái dị, khác thường so với những người khác. Sau này có người nói em và chị bị ảnh hưởng chất độc da cam. Em càng ngạc nhiên khi thấy ba mẹ bình thường, còn hai chị em lại “khác thường”. Ngày Á mới sinh ra, dân làng nhìn cái môi hở to, vòm miệng trống hoác, mũi sập sâu… đã tỏ vẻ kinh sợ. Và họ quả quyết, ba mẹ em bị ma ám nên mới sinh ra hai đứa con như thế. Không chịu nổi sự  hắt hủi của dân làng, ba mẹ Á ra đi trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng. Ba mẹ chết, hai chị em Á dắt díu nhau ra bìa rừng sống. Sức sống mạnh mẽ như cây, như cỏ, hai chị em rồi cũng lớn lên. Năm 2006, Á nghe nhân viên y tế về làng khám bệnh và nói có đoàn bác sĩ Nhật Bản chữa được bệnh của em. Hái rau rừng, bán con gà, gom góp được hơn trăm nghìn đồng, từ núi rừng Trà My, Á tìm đường xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam mong tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Ở đó em gặp được “ông Bụt”. Họ tận tình khám rồi phẫu thuật khiến sau khi mổ, Á không tin vào khuôn mặt của mình nữa. Nụ cười của cô gái CaDong thêm phần rạng rỡ. Ngoài việc được ông giáo sư - bác sĩ già mổ, miễn phí thuốc men, ông còn cho Á tiền về xe. Á bảo năm sau em sẽ xuống để ông thẩm mỹ lại lần nữa. 

Mong ngóng mãi rồi đứa con trai út cũng ra đời trong niềm vui tột đỉnh của cả gia đình anh Huỳnh Văn (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc). Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu khi nhìn thấy đứa con nhỏ không trọn vẹn, bé bị sứt môi hở hàm ếch nặng. Nhà có mấy sào ruộng, hai anh chị không nghề nghiệp nên vừa sinh con xong, anh Văn  gạt nỗi buồn sang bên lặn lội vào Đà Lạt bán bắp dạo, kiếm tiền nuôi con, còn bệnh tật tính sau. Ngày 7-7-2009, nghe tin có đoàn bác sĩ Nhật mổ sứt môi, hở hàm ếch, anh lật đật vứt cả xe bắp để về, đưa con đi chữa bệnh. Vào tới bệnh viện mới hay tin đã khép danh sách mổ. Thương bé, “ông Bụt” đề nghị các bác sĩ bệnh viện cứ khám, ông sẽ mổ. Và, ca phẫu thuật của bé trai Huỳnh Văn Hòa (6 tháng tuổi) cũng là ca cuối cùng của đợt phẫu thuật năm 2009 tại Quảng Nam. Ca mổ kết thúc, nhìn “ông Bụt” Yamamoto Tadashi tháo kính lau mắt, thở phào, pha trò lộ vẻ vui mừng sau ca phẫu thuật cuối, nhiều người đã xuýt xoa cảm động…

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm bệnh nhân sứt môi hở hàm ếch được “ông Bụt” đem lại nụ cười nguyên vẹn.

 Giáo sư Yamamoto (thứ 5, phải sang) cùng đoàn bác sĩ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Quảng Nam năm 2006.

Trái tim thiện nguyện của giáo sư già

Mười năm gắn bó với Quảng Nam, có hàng trăm bệnh nhân sứt môi hở hàm ếch được ông trả lại nụ cười. Trước khi về với Quảng Nam, ông đã phẫu thuật ở Trung Quốc, Campuchia... Năm 1995, lần đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam và phẫu thuật từ thiện ở tỉnh Bến Tre. Năm 2000, cảm mến đức tính và nghe những lời “thủ thỉ, rủ rê về Quảng Nam” của thông dịch viên tiếng Nhật (người gốc Quảng Nam), thế là ông về. “Và nay thì không thể bỏ đi nơi khác được”, ông cười hóm hỉnh.   

   

 “Ông Bụt” dặn dò mẹ bé Huỳnh Văn Hòa và khám cho cô gái CaDong Nguyễn Thị Á.

Điều gì khiến ông lại gắn bó với Quảng Nam lâu dài đến vậy? Ông bảo rằng,  đã từng phẫu thuật ở Huế, Hà Nội nhưng không nơi nào khiến ông thích và muốn làm việc thiện bằng ở Quảng Nam. Bởi bệnh nhân ở đây nghèo khó hơn, cần đến ông hơn, khiến ông cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn gấp bội lần. Có lẽ sự thân thiết của “ông Bụt” và bệnh nhân nghèo đất Quảng còn thể hiện ở tư duy rất Quảng Nam: “Người mẹ mang nặng đẻ đau mới sinh ra được đứa con mà hình hài không trọn vẹn đã rất đau đớn, rồi còn phải gánh chịu những ác cảm xung quanh thì đau khổ gì bằng”. Nheo nheo đôi mắt còn tinh anh, giáo sư già đùa: “À, còn bởi ở Quảng Nam có anh Nghĩa - thông dịch viên rất dễ thương, có cả hải sản cũng rất ngon nữa!”.

 Năm 2010, ông giáo sư già Yamamoto Tadashi sẽ tròn 65 tuổi, đến tuổi về hưu. Ông bảo, sang năm, ngày nào cũng là chủ nhật, ông sẽ không có điều kiện xin tài trợ, vận động thuốc men cho các bạn nữa. Nhưng ông cũng vẫn sẽ sang Quảng Nam bất cứ khi nào, miễn bệnh nhân còn cần đến ông, miễn đôi chân này còn đi được.

Vì là giáo sư-bác sĩ có tay nghề cao, được mời đi giảng ở nhiều bệnh viện, đến đâu ông cũng dùng uy tín của mình vận động, tài trợ thuốc men, vật tư y tế cho bệnh nhân đất Quảng. Mười năm, ông đã vận động cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam hàng chục container thuốc men, vật tư y tế... trị giá hơn chục tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ ông và đứa con trai đang là bác sĩ Bệnh viện Toyota mà hãng Toyota đã tài trợ cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam một xe cấp cứu mới tinh, trị giá hơn một tỷ đồng. Còn những chuyến đi và về Quảng Nam đều do ông tự bỏ tiền túi. Ông thường tranh thủ những kỳ nghỉ đông, tết dương lịch để thực hiện các chuyến đi thiện nguyện. Đôi lúc còn rủ thêm bạn bè là bác sĩ cùng sang Việt Nam.

Gắn bó với ông từ mười năm nay, thông dịch viên Tôn Thành Nghĩa tâm sự: “Lương của một giáo sư danh tiếng, tay nghề giỏi như ông Yamamoto không ít đâu. Nhưng có bao nhiêu ổng gom góp đem làm từ thiện cho bệnh nhân Quảng Nam như thế này hết”. Ông Yamamoto nhiều lần tâm sự với Nghĩa rằng nhà ông ngày trước khá chật chội nhưng bây giờ hai đứa con trai ra riêng nên cũng thoải mái, không cần sửa sang, làm nhà to làm gì. Người Nhật vốn thích cuộc sống công nghệ, nhà của bạn ông Yamamoto tiện nghi lắm, chỉ cần điều khiển là tivi từ trong tường bật ra, có người máy phục vụ. Nhưng vợ chồng ông thì không mấy quan tâm đến điều đó. “Tôi có một người vợ tuyệt vời!”, ông Yamamoto nhiều lần khen vợ như thế. Bởi chỉ có bà mới thông cảm cho việc có bao nhiêu tiền ông đều… đem hết cho bệnh nhân nghèo Quảng Nam. Có lẽ bởi hai ông bà đều có tấm lòng nhân hậu, và những trái tim thiện nguyện.


Người viết : VƯƠNG HẰNG SA