Chuyện về cái nút áo

Ba cây chụm lại...

Chủ nhật, 30/05/2010, 13:38 GMT+7

“Mười năm trước, khi không còn sự lựa chọn nào khác, với số vốn ít ỏi chỉ vài chục triệu đồng, chúng tôi đã liều lĩnh khởi nghiệp sản xuất nút áo từ vỏ sò để xuất khẩu, bằng máy móc tự chế với 4 - 5 công nhân trên căn gác nhỏ của mình. Dù rất quyết tâm và tin vào con đường đã chọn, nhưng chúng tôi vẫn không ngờ có được ngày hôm nay”. Anh Tôn Thạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn, nói tại buổi lễ khánh thành nhà máy sản xuất mới ở Bình Dương, và kỷ niệm chặng đường 10 năm phát triển của công ty hôm 2-6.

Hồi ấy, để triển khai ý tưởng không giống ai của mình, anh Nghĩa vừa là giám đốc vừa là thợ, vừa là nhà thiết kế mẫu mã. Người em kế phụ trách kỹ thuật kiêm luôn chân chạy mua gom vỏ sò từ Nam chí Bắc. Cả giám đốc lẫn công nhân vừa học vừa làm; vừa tìm tòi sáng tạo, tự chế máy móc, tổ chức bộ máy... Khâu kỹ thuật phải bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mẫu mã đẳng cấp quốc tế vì 100% sản phẩm xuất khẩu (thị trường trong nước thời điểm đó chưa hề có tiền lệ sản xuất và sử dụng nút áo làm bằng... vỏ ốc). Nhà xưởng là căn gác nhỏ của gia đình vợ. Vốn liếng là do mẹ anh bán mấy sào đất ở quê gửi vào. Vậy mà giờ đây, sản phẩm của anh em họ Tôn đã chinh phục cả các thị trường thời trang khó tính, như Nhật, Mỹ... qua Công ty Head Crown (Hồng Kông). Số công nhân đã tăng lên cả 100 người; khách hàng, cơ sở vật chất... tăng lên 2 con số ấn tượng. Tôn Văn đã chắt chiu gầy dựng được một cơ ngơi khang trang trên một khuôn viên hơn 1 ha; có nhà xưởng hiện đại, có nhà trọ, căng tin cho công nhân. Và với slogan khá thời thượng “Đưa thiên nhiên vào thời trang”, Tôn Văn đã tự tin khẳng định đẳng cấp chuyên nghiệp, thay cho một cơ sở sản xuất thủ công ngày nào. “Sáng tạo, không chịu khuất phục, đó là đức tính của thành công. Anh Nghĩa đã thực hiện được như vậy”. Ông Ohno - một doanh nhân người Nhật, khách hàng đầu tiên, người đồng hành chung thủy và cũng là ân nhân từ thời Tôn Văn bắt đầu khởi nghiệp - nhận xét. Trở lại VN trong ngày “mừng sinh nhật một Tôn Văn mới”, ông Ohno đã dẫn theo đoàn 7 doanh nhân Hồng Kông - những đối tác và khách hàng tiềm năng của Tôn Văn trong giai đoạn phát triển mới.

Anh Nghĩa nói những việc lớn đến với anh như một cái duyên, một sự may mắn nhiều hơn là tài năng. Nhưng đằng sau sự may mắn đó là một sự bền bỉ nỗ lực, sự đồng tâm hiệp lực của một gia đình, một tập thể. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đỉnh cột cờ hay những cây cau trong khuôn viên nhà xưởng Tôn Văn đều chụm 3 thể hiện và nhắc nhở sự đoàn kết ấy. Nhìn rộng hơn, với sự tự tạo cho mình những áp lực và thách thức mới, Tôn Văn đang hướng tới sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản phẩm vươn xa hơn trong thị trường thời trang.


tonvanshellbuttons.com.vn
Người viết : Minh Hà