Chuyện về cái nút áo

Đi xem những điều khó tin

Thứ bảy, 07/07/2012, 14:58 GMT+7

Tượng nữ làm từ hơn 10.000 chiếc nút áo các loại

SGTT.VN - Bê con hai đầu, cừu tám chân, cá mọc lông, đến chiếc quần bảo vệ trinh tiết người phụ nữ phương Tây ở thế kỷ 16… đó là những hiện vật không dễ tưởng tượng trong trí óc con người lại hiện hữu ở một bộ sưu tập đồ sộ trong bảo tàng có tên gọi Believe it or not! (Tin hay không!) trên con đường Radhuspladsen ngay quảng trường trung tâm của thủ đô Copenhagen, Đan Mạch.

Tiết trời Copenhagen bắt đầu vào đông, khắp nơi bao phủ bởi một màu xám xịt, ảm đạm đến buồn tẻ, các hoạt động vui nhộn ngoài trời của thủ đô xứ Bắc Âu này như chậm lại, những con đường lát đá cổ kính dọc theo các con kênh đào từ thế kỷ 17 khách vắng tanh, dân tình dường như trốn đâu đó hết trong các văn phòng, các quán bia cổ kính tránh cái lạnh mùa đông. Tôi cũng đi tìm một chốn riêng trốn rét, và bảo tàng là một sự lựa chọn hợp lý trong những ngày mùa đông ở Copenhagen.

Những mô hình đầy tính sáng tạo

Copenhagen cũng như các đô thị cổ kính của vùng Bắc Âu là có rất nhiều bảo tàng, nhưng ấn tượng và độc đáo nhất với tôi đó chính là bảo tàng Tin hay không! Nơi tôi có dịp khám phá những điều kỳ quặc nhất của thế giới thông qua các hiện vật cụ thể, trưng bày trong một không gian nhỏ gọn do Robert Ripley sáng lập.

Bê con hai đầu. Ảnh: Nguyễn Đình

Bước qua cửa chính của bảo tàng, hiện vật gây ấn tượng đầu tiên đối với tôi chính là bộ xương voi ma mút khổng lồ án ngữ. Ngay sau đó là khu vực giới thiệu các hiện vật với ý tưởng lạ đời, được bàn tay con người làm nên từ sự tinh tế, khéo léo cùng sức lao động dài ngày mới có được. Đó là tượng người nữ được làm từ hơn 10.000 các loại nút quần áo màu sắc khác nhau, con robot khổng lồ cao gần 3m với tất cả các chi tiết đều có xuất xứ từ một chiếc xe hơi cũ. Hình tháp làm từ ngàn que kem, ngôi đền mang biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn – Tah Mahal ở Ấn Độ được xếp nên từ hàng triệu que diêm, các mô hình chiến hạm kiểu Bắc Âu ở thế kỷ 17… đẹp và hoàn hảo đến kinh ngạc. Tất cả những hiện vật ở không gian này là một sự thách thức về tính kiên trì, óc sáng tạo cùng yếu tố thời gian cho tất cả những ai có ý định muốn thực hiện một tác phẩm tương tự.

Chủ nhân bảo tàng, ông Robert Ripley – một người Mỹ sinh năm 1893 – từng chu du 189 nước trên thế giới chỉ để sưu tầm những hiện vật kỳ quặc đem về trưng bày tại bảo tàng Tin hay không! Mà nay đã trở thành một chuỗi gồm 28 bảo tàng ở mười quốc gia trên khắp thế giới và bảo tàng ở Copenhagen là bảo tàng Tin hay không! duy nhất tại châu Âu.

Những hiện vật khó tin nhưng có thật

 

Tượng nữ làm từ hơn 10.000 chiếc nút áo các loại. Ảnh: Nguyễn Đình

Khám phá từng hiện vật dù lớn hay nhỏ trong bảo tàng đều gợi cho người xem một thắc mắc, một sự tò mò bởi không thể nghĩ rằng, điều đó lại có thể làm được, như cây tăm được điêu khắc hình chú chim hồng hạc, đồng tiền may mắn khổng lồ, hay chân dung hoàng hậu Đan Mạch được làm từ mùn vải của máy giặt, lại có cả bộ sưu tập những chữ ký của Napoléon từ thời trai trẻ cho đến khi trở thành một vị tướng tài ba.

Không đồ sộ, hoành tráng như những bảo tàng mang nặng tính trưng bày, sắp đặt. Ở bảo tàng Tin hay không!, những hiện vật được sắp xếp nối tiếp nhau và đều có ngôn ngữ riêng của nó, để người xem mặc sức tìm hiểu, khám phá những điều kỳ quặc ấy theo cảm nhận của riêng mình. Chẳng hạn, sẽ thật khó để hình dung ra các đơn vị tiền tệ ở một số nơi trên thế giới chỉ là những miểng gốm, nanh heo, nanh chó…

Ở bảo tàng này, tôi thoả sức khám phá biết bao điều kỳ thú khác, cái gì cũng lạ lẫm và hấp dẫn. Đó là ông Robert Earl Hughes khi sinh ra nặng 5kg, nhưng đến tuổi 32, ông đạt trọng lượng đến 481kg. Cạnh đó là hình ảnh hai người đàn ông, một cao nhất thế giới với chiều cao 2,72m, và lùn nhất thế giới với chiều cao 45cm.

Những bức tranh kết nên từ bộ tem thư để trở thành nàng Geisha kiều diễm, những miếng bánh mì ghép thành tranh, hay tượng Tổng thống Lincon làm từ những tờ đôla bị huỷ, hạt gạo có dòng chữ viết tay nhỏ nhất thế giới…

Từng góc bảo tàng, từng hiện vật, từng không gian, luôn gợi mở cho người xem những cảm nhận hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có chi tiết mà khách tham quan hay tò mò, bàn luận và bật cười nhiều nhất chính là chiếc quần bikini dùng để bảo vệ trinh tiết của người phụ nữ phương Tây ở thế kỷ 16 được đúc bằng sắt, với dây đai bằng xích, có móc khoá, trông rất hầm hố, nặng nề và… dễ sợ. Nó khiến người xem – phần nhiều là giới chị em bàn tán – không biết khi mặc cái quần kim loại này vào thì cảm giác sẽ thế nào? Việc đi lại, đứng ngồi ra sao…

Chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ khám phá những hiện vật trưng bày ở bảo tàng, nhưng như mở ra một kho thông tin về những điều tưởng chừng không thể tồn tại trong thế giới loài người. Điều đó góp thêm cho hành trang những ngày rong chơi của tôi ở Copenhagen thêm phần thú vị và đáng nhớ.

tonvanshellbuttons.com.vn


Người viết : Nguyễn Đình