Tin hoạt động

8 sự kiện nổi bật của làng công nghệ thế giới năm 2011

Thứ sáu, 16/12/2011, 13:03 GMT+7

2011 là năm đầy biến động của làng công nghệ với sự ra đi của Steve Jobs, những cuộc tấn công dồn dập và có tổ chức của hacker hay hai vụ sáp nhập làm đảo lộn trật tự trên thị trường di động.

 

Trong suốt 12 tháng qua, người ta liên tục nghe thấy nhưng thông tin gây sốc, có khả năng quyết định số phận của nhiều công ty công nghệ. Nokia "mở màn" bằng tuyên bố từ bỏ Symbian - nền tảng di động phổ biến nhất thế giới, còn "ông tổ" của ngành di động Motorola Mobility về tay công ty được coi là non trẻ trong lĩnh vực này: Google. Trong khi đó, các đối tác của Google (các nhà sản xuất thiết bị Android) lại có một năm lao đao trước những vụ kiện bản quyền qua lại với Apple - hãng cũng đang được giới phân tích đặt câu hỏi lớn về thời "hậu Steve Jobs".

Steve Jobs từ biệt thế giới

Steve Jobs.

Khi cựu CEO của Apple xuất hiện trên sân khấu vào tháng 3/2011 để giới thiệu máy tính bảng thế hệ mới, ông dự đoán rằng 2011 sẽ là năm của iPad 2. Ông đã nhầm. 2011 là năm của chính ông. Từ khi Steve Jobs rời công ty đi chữa bệnh vào giữa tháng 1 rồi trở lại vào tháng 6 để thuyết phục hội đồng thành phố Cupertino cho Apple xây dựng trụ sở mới trông như phi thuyền, cho đến việc ông đột ngột từ chức Tổng giám đốc Apple vào ngày 24/8, những câu chuyện về ông luôn tràn ngập các trang báo cũng như trên các diễn đàn và mạng xã hội.

Dù biết trước Steve Jobs không còn sống được bao lâu vì căn bệnh ung thư, nhiều người vẫn bàng hoàng khi truy cập website của Apple ngày 5/10. Trên đó không phải lời giới thiệu sản phẩm quen thuộc mà là hình ảnh nhà đồng sáng lập Apple cùng dòng tin làm đau hàng triệu trái tim người hâm mộ: ""Apple vừa mất đi một thiên tài sáng tạo, có tầm nhìn lớn và thế giới mất đi một nhân vật kiệt xuất. Jobs ra đi, để lại một công ty mà chỉ ông mới có thể xây dựng. Tinh thần và triết lý của ông sẽ mãi gắn bó với Apple". Chuyên gia phân tích Richard Doherty nhận định: "Sẽ có một Apple hoàn toàn khác kể từ hôm nay. Họ phải giải bài toán khó mà không được phép sai. Dù gì đi chăng nữa, không cách nào có thể thay thế một thiên tài vĩ đại như Jobs".

Hai cái bắt tay đình đám của làng di động

 

Sự hợp tác giữa Nokia và Microsoft làm đảo lộn ngôi vị trên thị trường di động. Ảnh: Watblog.

Khi Larry Page và Sergey Brin thành lập Google năm 1998, họ không ngờ rằng một ngày nào đó, họ lại sở hữu nền tảng di động phổ biến nhất thế giới. Chỉ sau hơn 2 năm xuất hiện trên thị trường (từ 2008), Android đã vượt Symbian, hệ điều hành ngự trị trên "ngai vàng di động" nhiều năm. Chiến thắng này một phần nhờ Nokia quay sang hợp tác với Microsoft vì không còn mặn mà với Symbian già cỗi và lạc hậu. Công ty Phần Lan ví họ như đang đứng trên con thuyền bốc cháy và buộc phải nhảy xuống biển giành giật sự sống. Đó là việc chọn Windows Phone là hệ điều hành chủ chốt trong điện thoại của hãng này thời gian tới, mở đầu với hai mẫu smartphone Lumia 800 và Lumia 710. Quyết định này đã dọn đường cho Android chiếm ngôi đầu.

Trong khi đó, Google tiếp tục củng cố sức mạnh bằng việc bỏ ra 12,5 tỷ mua lại Motorola Mobility và giúp các đối tác tự tin hơn trong cuộc chiến bản quyền. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hành động của Google chẳng khác nào sắm con dao hai lưỡi vì các hãng như Samsung, HTC, LG... có thể lo ngại Google sẽ sớm tung ra dòng điện thoại mang thương hiệu riêng cạnh tranh trực tiếp với họ nên sẽ dần chuyển sang dùng Windows Phone để hạn chế sự phụ thuộc vào Android. Nhiều chuyên gia công nghệ tin liên minh Nokia - Microsoft sẽ chiến thắng trong năm 2015 còn Google mỉa mai rằng "hai con gà tây không thể hợp sức thành đại bàng".

Cuộc chiến bản quyền dai dẳng và chưa có hồi kết

Apple kiện Samsung và HTC nhằm ngăn chặn sự bùng nổ của Android. Ảnh: CNet.

Chưa năm nào, các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ lại sôi sục đến như vậy trên thị trường smartphone. Theo ước tính của báo Financial Times, bên trong chiếc điện thoại nằm gọn trong lòng bàn tay chứa tới 250.000 bằng sáng chế của nhiều công ty khác nhau. Thông thường, các bên sẽ có những thỏa thuận mua bán bản quyền để đôi bên cùng có lợi. Nhưng Apple lại muốn tiêu diệt Android hơn là kiếm lời từ hệ điều hành này. Cuốn tiểu sử của Walter Isaacson mô tả Steve Jobs nổi điên khi HTC giới thiệu điện thoại Android vào tháng 1/2010. "Tôi không cần tiền, kể cả khi các ông đưa tôi 5 tỷ USD. Điều tôi muốn là các ông ngừng ngay việc sử dụng các ý tưởng của chúng tôi và đưa vào trong Android", Jobs nói với Eric Schmidt của Google. Ông cũng thề "sử dụng đến đồng xu cuối cùng của Apple để hủy hoại Android vì đó là sản phẩm ăn cắp".

Với quyết tâm đó, các luật sư Apple tỏ ra không nương tay khi "gây hấn" với HTC từ năm 2010 còn Samsung bắt đầu khốn khổ vì Apple từ tháng 4/2011. Những tranh cãi qua lại khiến dòng "át chủ bài" Galaxy của Samsung bị hoãn bán ở nhiều nước. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng không vui vẻ gì vì việc này có thể khiến giá sản phẩm bị đội lên nếu bên thua kiện phải bỏ ra khoản tiền lớn để bồi thường và mua phí bản quyền.

Tin tặc tấn công dồn dập khắp thế giới

Hàng loạt tổ chức tiếng tăm trở thành nạn nhân của hacker. Ảnh: MyGaming.

Bắt đầu từ tháng 3/2011, website của các công ty như Google, Sony, Lockheed Martin, ngân hàng CitiBank, tổ chức FBI, CIA, cảnh sát Tây Ban Nha, Quỹ tiền tệ IMF và chính phủ nhiều nước thay nhau trở thành nạn nhân của 2 nhóm hacker khét tiếng Anonymous và LulzSec. Đen đủi nhất là Sony khi bị tấn công kéo dài từ 20/4 cho tới giữa tháng 10/2011 khiến mạng PlayStation Network và Qriocity liên tục bị đóng cửa còn hãng này bị chỉ trích vì quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự cố, gây phiền toái cho hàng chục nghìn thành viên.

Ngày 6/10, Anonymous còn đe dọa cả Los Zetas, băng đảng buôn bán ma túy lớn nhất Mexico, vì bắt giữ thành viên của nhóm. Los Zetas sau đó buộc phải thả con tin vì lo sợ Anonymous tiết lộ danh tính của những nhà báo, cảnh sát và tài xế taxi "tiếp tay" cho tổ chức này. Tiếp đó, ngày 4/11, trên YouTube xuất hiện một đoạn video trong đó Anonymous dọa sẽ "xử lý" Israel nếu còn tiếp tục ngăn chặn tàu bè tiến vào dải Gaza theo đường biển. 48 tiếng sau đó (6/11), website của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Cơ quan an ninh nội địa (Shin Beth) và Cơ quan tình báo (Mossad) đồng loạt ngừng hoạt động trước khi cùng "sống lại" sau vài giờ. Những hoạt động của Anonymous và LulzSec khiến nhiều nước lo ngại hacker đang trở thành một thế lực chính trị và có thể làm nổ ra những cuộc chiến tranh ảo giữa các quốc gia.

Hai scandal theo dõi người dùng trên smartphone

 

Người dùng smartphone có thể phải quen với việc họ bị âm thầm theo dõi.
Người dùng smartphone có thể phải quen với việc họ bị âm thầm theo dõi. Ảnh: The Verge.

Giữa tháng 4, hai chuyên gia bảo mật công bố phát hiện gây chấn động rằng một file bí mật trong iPhone lưu lại mọi dữ liệu về thời gian và địa điểm mà người dùng đã lui tới trong một năm trước đó. Nhiều người lo ngại đây sẽ là chứng cứ cho các bà vợ/ông chồng hay ghen, thám tử tư... có thể biết họ đi đâu, làm gì trong ngày. Ngay sau đó, điện thoại Android cũng bị cáo buộc có cách thức ghi nhận địa điểm tương tự nhưng không chi tiết và thường xuyên được xóa đi. Dù Steve Jobs phủ nhận chuyện trên, tòa án Hàn Quốc vẫn yêu cầu Apple trả cho một nạn nhận nước này khoản tiền 883 USD (1 triệu won). Sau thắng lợi đó, 27.000 người khác cũng đệ đơn kiện đòi khoản bồi thường tương tự.

Cuối tháng 11, một người sử dụng lại phát hiện phần mềm có tên Carrier IQ được cài bí mật trên hơn 140 triệu smartphone, âm thầm ghi lại toàn bộ các hoạt động từ nhắn tin, tra cứu web đến các cuộc gọi... Một số hãng viễn thông Mỹ thừa nhận đã dùng ứng dụng này để tìm hiểu những vấn đề khách hàng đang gặp phải và cải tiến chất lượng dịch vụ nhanh chóng. Giới luật sư tin Carrier IQ và những bên liên quan sẽ sớm bị khởi kiện bởi hành động thu thập thông tin, dù với bất cứ mục đích gì, cũng phải được sự cho phép của người dùng hoặc họ cần biết đến sự tồn tại của phần mềm.

Trí tuệ nhân tạo tiến gần đến hiện thực

 

Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đang tiến thêm một bước mới.
Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đang tiến thêm một bước quan trọng. Ảnh: IBM.

Máy tính từng đánh bại một nhà vô địch cờ vua và năm nay, cỗ máy IBM Watson chiến thắng hai người chơi xuất sắc trong cuộc thi truyền hình trực tiếp Jeopardy. Điểm đặc biệt của trò chơi này là người dẫn chương trình nêu sẵn câu trả lời và người chơi phải đặt ngược lại câu hỏi. Ví dụ, nếu đưa đáp án: "Thành phố có sân bay lớn nhất đặt theo tên một anh hùng trong thế chiến thứ hai" thì câu hỏi các thí sinh nên đưa ra sẽ là "Chicago là gì?". Để đạt thành tích đó, Watson không chỉ được trang bị công nghệ tìm kiếm, phân tích và xử lý dữ liệu siêu tốc mà còn tích hợp khả năng nhận diện giọng nói và kỹ thuật cao cấp về diễn giải ngôn ngữ tự nhiên thay vì phản hồi câu lệnh theo cấu trúc được lập trình sẵn.

Dù vậy, Watson vẫn là một siêu máy tính và có vẻ xa lạ với người sử dụng phổ thông. Nhưng Apple đã giúp họ trải nghiệm công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đó ngay trên một thiết bị cá nhân thông qua "trợ lý" Siri. Người dùng iPhone 4S có thể trò chuyện với điện thoại như một người bạn thân. Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định tầm ảnh hưởng của Siri bắt đầu "phủ bóng" lên toàn ngành công nghiệp di động và đánh dấu bước tiến đáng kể của các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI). Lãnh đạo Google từng cho rằng con người nên giao tiếp với nhau hơn là nói chuyện với smartphone thì nay cũng khẳng định sẽ sớm đưa ứng dụng tương tự Siri lên Android.

Cơn sốt 'miễn cưỡng' đăng ký tên miền .xxx

Thế giới vẫn có thêm tên miền .xxx dù nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra.
Thế giới vẫn có thêm tên miền .xxx dù nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra. Ảnh: AFP.

Sau gần 7 năm gây tranh cãi đến giữa tháng 3/2011, tên miền cấp cao dành cho các trang web sex mới được tổ chức ICANN chính thức phê chuẩn và bắt đầu cho đăng ký rộng rãi từ 6/12. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra vì người ta tin sự ra đời của .xxx giống như "vẽ đường cho hươu chạy" và "công nhận nội dung sex một cách chính thống". Nhưng cũng không ít người nhận định việc phân chia này giúp các bậc phụ huynh và nhà quản lý dễ ngăn chặn và kiểm soát thông tin hơn.

Các tên miền thuộc khu vực "đèn đỏ online", tưởng chừng chỉ được những người hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung người lớn quan tâm, bỗng tạo ra tình cảnh oái oăm. Lo ngại thương hiệu của mình sẽ bị người khác nhanh chân đăng ký trước và lợi dụng để phát tán những thông tin nhạy cảm không mong muốn, từ các trường đại học, tu viện cho tới những công ty lớn như Google, Sony, Coca Cola… cũng buộc phải chi ra khoản tiền từ vài trăm cólên đến vài nghìn USD chỉ để nắm quyền kiểm soát địa chỉ web .xxx có liên quan đến thương hiệu của họ và sau đó… bỏ hoang. Trong khi đó, Ấn Độ và một số quốc gia khác đã quyết định chặn truy cập đến những địa chỉ có đuôi .xxx này

Google+ thổi làn gió mới vào cuộc đua mạng xã hội

Google+ là một trong năm dự án quan trọng của Google.
Google+ là một trong năm dự án quan trọng của Google. Ảnh chụp màn hình.

Với 800 triệu thành viên, Facebook gần như không có đối thủ trong lĩnh vực mạng xã hội. Tuy vậy, trong nửa cuối 2011, họ cũng không ít lần phải chột dạ trước tốc độ phát triển của "tân binh" Google+. Mới xuất hiện vào cuối tháng 6, chỉ trong vài tuần, nền tảng này đã thu hút gần 20 triệu người sử dụng và trở thành dịch vụ online có sự khởi đầu ngoạn mục nhất trong lịch sử. Hiện, sau 6 tháng, Google+ đạt hơn 40 triệu người tham gia, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như tổng thống Mỹ Barack Obama hay ca sĩ Britney Spears.

Con số này đủ để một số website công nghệ xếp Google+ vào danh sách những sản phẩm thành công nhất trong năm. Nhưng cũng không ít chuyên gia ví nó như một thành phố bị bỏ hoang, nhà cửa mọc lên san sát nhưng vắng bóng người qua lại vì không nhiều thành viên tích cực chia sẻ nội dung ở đây. Dù vậy, Google cũng đã có những kế hoạch dài hơi để tránh đi theo vết xe đổ của Buzz và Wave (hai mạng xã hội "sớm nở tối tàn" của họ trước đó) bởi Google+ được đánh giá là tương lai của hãng dịch vụ Internet Mỹ, đồng thời là một trong 5 dự án quan trọng nhất của họ song song với Gmail, Android, Chrome và Search.

Xem tiếp: Thế giới công nghệ một năm qua ảnh


Người viết : Vi Tính