Tin hoạt động

Cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp vẫn điều chỉnh lợi nhuận

Thứ hai, 28/11/2011, 11:24 GMT+7

Thay vì chạy nước rút để nhanh chóng về đích, nhiều công ty quyết định sửa kế hoạch kinh doanh 2011 khi đã gần hết năm, thậm chí điều chỉnh từ lãi sang lỗ, hoặc hòa vốn.

Từ giữa năm, một số doanh nghiệp đã thay đổi kế hoạch kinh doanh do nhận thấy khó hoàn tất các chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm, xu hướng này ngày càng mạnh mẽ hơn với hàng loạt công ty công bố giảm đáng kể doanh thu, lợi nhuận.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng (Investco) vừa điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh cho cả năm nay, thông qua hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của công ty năm 2011 sẽ là 0 đồng, và không chia cổ tức. Tại đại hội cổ đông ngày 28/5, Investco dự kiến lợi nhuận trước thuế 80 tỷ, cổ tức 16%.

Dự kiến tình hình kinh doanh những tháng cuối sẽ tiếp tục khó khăn do thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, kế hoạch lợi nhuận của Công ty chứng khoán Tràng An (TAS) quay ngoắt 180 độ. Thay vì phấn đấu lãi 6 tỷ, Tràng An đổi thành mức lỗ 40 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động kinh doanh chứng khoán điều chỉnh mạnh, từ 38 tỷ xuống còn 8 tỷ. Trong khi đó, chi phi hoạt động kinh doanh tăng từ 32 tỷ lên 48 tỷ đồng.

Không tới mức chuyển lãi thành lỗ hoặc hòa vốn, song nhiều doanh nghiệp giảm 40-50%, thậm chí hơn 90% kế hoạch đề ra. Sau điều chỉnh, doanh thu và thu nhập khác của Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt còn 148 tỷ đồng, thay vì 1.600 tỷ như dự kiến. Riêng lợi nhuận trước thuế hạ xuống còn 8 tỷ, trong khi kế hoạch trước đó tới 450 tỷ đồng.

Trong thư xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay, phía Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông trần tình: "Kinh tế vĩ mô khó khăn do lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ, chứng khoán suy giảm mạnh không còn là kênh huy động hiệu quả cho doanh nghiệp. Mặc khác, bất động sản đóng băng, lãi vay cao là nguyên nhân chủ yếu tác động tới hoạt động kinh doanh". Cụ thể, tổng doanh thu thuần giảm 46% so với kế hoạch, từ 945 tỷ xuống 506,09 tỷ; lợi nhuận sau thuế từ 194,575 tỷ đồng rút xuống 111,34 tỷ đồng, giảm 43%.

Tháng 11 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp niêm yết thông báo điều chỉnh các con số kinh doanh. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị dầu khí Cửu Long hạ tổng doanh thu xuống 150 tỷ, thay vì dự kiến 450 tỷ; lợi nhuận sau thuế còn 22,5 tỷ, thay vì 156 tỷ; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu từ 34,66% còn 15%. Những chỉ tiêu điều chỉnh này thấp hơn kết quả đạt được ở năm 2010.

Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng điều chỉnh doanh thu 2.031 tỷ đồng đưa ra đầu năm xuống 1.513 tỷ. Ngoài ra, lãi sau thuế từ 519 tỷ hạ xuống 310 tỷ. Trước đó, Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương cũng điều chỉnh mạnh kế hoạch kinh doanh, tổng doanh thu 3.000 tỷ xuống 2.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế từ 825 tỷ xuống 380 tỷ, cổ tức 15% xuống còn 10%.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM nhận định, tới quý III, công ty đã cầm chắc khả năng thua lỗ, chứ không dám nói tới việc hoàn thành bao nhiêu phần trăm kế hoạch đề ra. Kế hoạch kinh doanh thậm chí phải điều chỉnh từng tháng, chứ không phải tới gần cuối năm mới sửa đổi. "Tình hình thị trường còn xấu hơn cả kịch bản xấu nhất mà chúng tôi đưa ra đầu năm. Việc xây dựng kế hoạch cho năm sau sẽ còn khó khăn hơn nhiều", ông chia sẻ.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Đại học Kinh Tế TP HCM cho biết doanh nghiệp thực chất không cần phải điều chỉnh kế hoạch. Bởi sự điều chỉnh này chỉ là hợp thức hóa năng lực yếu kém của lãnh đạo. Bản thân doanh nghiệp đặt mục tiêu lạc quan, đưa ra con số làm đẹp lòng cổ đông nhưng không thể ứng phó với những rủi ro quá lớn và vượt lên nó.

Theo ông, cứ để nguyên các chỉ tiêu đề ra và hoàn thành kế hoạch đến đâu hay đến đó. Sang đại hội năm sau, lãnh đạo cùng cổ đông ngồi lại mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Điều này vẫn tốt hơn là cả đại hội hoan hỉ khi đạt được kế hoạch đề ra, nhưng lại là kế hoạch đã điều chỉnh giảm mạnh. Như vậy, việc đặt ra mục tiêu phấn đấu cho cả năm hóa ra không có sức nặng đáng kể cho ban lãnh đạo, bởi họ có thể dễ dàng thay đổi nếu thấy không hoàn thành được.

"Bản thân doanh nghiệp cần có những biện pháp quản trị rủi ro khi nền kinh tế chuyển biến không tốt, kinh doanh kém lạc quan, hơn là nghĩ ra nên điều chỉnh giảm bao nhiêu phần trăm doanh thu, lợi nhuận", ông chia sẻ.


Người viết : Bạch Hường