Tin hoạt động

Khán giả xúc động với cầu truyền hình Hà Nội – Matxcơva

Thứ ba, 01/11/2011, 13:29 GMT+7

Xúc động, công phu, hấp dẫn và rất ấn tượng… là những cảm nhận của khán giả truyền hình cũng như những ai có cơ hội đến với Cầu truyền hình Hà Nội – Matxcơva…

Cầu truyền hình Hà Nội – Matxcơva mang tên "Bài ca chiến thắng" như một cuốn phim lịch sử thế giới cực sống động. Từ giọng đọc của phát thanh viên huyền thoại Lê-vi-tan, người mà Hít-le tuyên bố sẽ đem ra xử bắn đầu tiên nếu chiếm được Matxcơva, những hình ảnh của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của dân tộc Nga anh em cho đến những câu chuyện, những kỷ niệm không thể nào quên của những học sinh Việt Nam, những tình cảm của các thầy cô ở nước Nga Xô Viết… đều được kể lại bằng hình ảnh một cách ấn tượng.


Đúng như nhà báo Lại Văn Sâm, Tổng đạo diễn chương trình đã phát biểu ở cuộc họp báo trước đó, cầu truyền hình Hà Nội – Matxcơva “Bài ca chiến thắng” không phải là một chương trình chính luận tái hiện lịch sử mà được xây dựng theo hướng một chương trình nghệ thuật đặc sắc.

 

Ở đó, những diễn biến của lịch sử thế giới, diễn biến của chiến tranh Thế giới lần 2, chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân nước Nga Xô Viết, cho đến câu chuyện về những con người đã sống, đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc cũng như thế giới… Tất cả đều được tái hiện thông qua những thước phim tư liệu, những phóng sự mà các phóng viên của Đài THVN trực tiếp thực hiện ở nước Nga... 

 

 

Các đại biểu cùng hát vang những bài hát tiếng Nga nổi tiếng
 

Chia sẻ với chúng tôi ngay tại đầu cầu Hà Nội ở Cung văn hóa hữu nghị, chị Hà (Hải Dương), người đã có thời gian dài học tập và làm việc tại nước Nga cho biết: “Đã lâu lắm rồi tôi mới được xem, được sống lại không khí một thời của nước Nga, nơi mà cá nhân tôi cũng như rất nhiều những người Việt Nam khác đã từng sống và học tập. Chương trình đã được Đài THVN đã thực hiện một cách công phu, hiệu quả và rất ấn tượng. Tôi không có được may mắn như Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hay những chiến sỹ quân đội đã từng học ở trường quân sự Frunze, khi được gặp các thầy Nga thông qua Cầu truyền hình này. Thế nhưng, với những gì đã được xem ở Cầu truyền hình này, tôi như được gặp lại chính những người thầy của mình”.
 

Không chỉ chị Hà, mà rất nhiều các khán giả tham gia cầu truyền hình này đều có chung một cảm giác như thể họ đang sống ở nước Nga một thời khói lửa, thông qua cầu truyền hình đặc biệt này.

 

“Tôi như được sống lại cùng với lịch sử hào hùng của nước Nga Xô Viết, của thế giới nhân loại, thông qua những hình ảnh tư liệu và những phóng sự ở chương trình này. Ở thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh Vệ quốc, tôi vẫn còn là một đứa trẻ… đến lúc lớn lên, nhập ngũ, tôi cũng đã có điều kiện đến học tập ở nước Nga, mang những kiến thức, những kinh nghiệm ở đó trở về phục vụ Tổ quốc. Qua chương trình này, tôi như được trở lại nước Nga với những bài hát nổi tiếng Kachiusa, Đừng khóc cô bé ơi, Họa mi…Cám ơn THVN, cám ơn VTV3 đã mang lại cho chúng tôi một chương trình hay và ấn tượng đến thế”, một cựu chiến binh chia sẻ.


Người viết : Ngọc Mai; Ảnh: Đỗ Đức