Tin hoạt động

Quản lý ngoài cuộc

Thứ sáu, 30/09/2011, 13:48 GMT+7

Dịch vụ mua hàng theo nhóm đang bùng nổ đặt ra không ít vấn đề về công tác quản lý. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nếu xảy ra sự cố

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt của dịch vụ mua hàng theo nhóm hiện nay, không ít công ty chạy theo lợi nhuận và làm ăn mập mờ. Trên các diễn đàn cũng đã có nhiều ý kiến phản hồi, phàn nàn về chất lượng hàng hóa của dịch vụ này.

Khách hàng nắm dao đằng lưỡi

 Theo các website, do thị trường này đang cạnh tranh rất mạnh nên muốn tồn tại, doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải tự nâng cấp và mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng. Nếu website bán phiếu không đúng chất lượng, khách hàng gặp phiền hà hay không hài lòng với nhà cung cấp thì sẽ không quay trở lại.


Minh họa: NGUYỄN TÀI

Bà Trương Thị Tố Loan, Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh Hotdeal, cho hay để bảo vệ “nồi cơm” của mình, các website bán hàng qua mạng uy tín phải thẩm định thật kỹ năng lực của nhà cung cấp, ký hợp đồng chặt chẽ. Còn theo ông David Trần, Giám đốc điều hành của Nhóm mua, khi phát hiện sản phẩm dịch vụ kém chất lượng, không như cam kết, giới thiệu, các website uy tín sẵn sàng thanh lý hợp đồng với đối tác liên kết ngay...

Tuy nhiên, chủ một DN từng được một website chào mời hợp tác bán hàng theo nhóm phản ánh phía website yêu cầu công ty anh giảm giá 50% trên phiếu mua hàng và trích hoa hồng 30%. Với điều kiện như vậy, DN khó lòng thực hiện được nếu không tìm cách “ăn bớt” của khách hàng. Thực tế đã có một số DN chọn phương án nâng giá hàng hóa lên rồi quảng cáo giảm đến 50% để thu hút khách hoặc giảm bớt chất lượng, nhất là các dịch vụ ăn uống. Khách hàng không tìm hiểu kỹ hoặc không có điều kiện xem xét tận nơi sẽ rất dễ bị lợi dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, khi ký hợp đồng với nhà cung cấp, các website đều có tỉ lệ gối đầu nhất định để ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm lẫn nhau. Số tiền này dùng để dự phòng giải quyết những sự cố. Thế nhưng, theo một số khách hàng đã từng bị sự cố, họ không dễ lấy lại tiền và phần đông chọn giải pháp… bỏ, nhất là với phiếu mua hàng giá trị thấp, vì không đủ kiên nhẫn và thời gian đi lại đòi tiền.

Cần sớm đưa vào quản lý 

Về công tác quản lý, groupon là một lĩnh vực khá mới nên hiện các văn bản, quy định hướng dẫn vẫn chưa có. Đề cập vấn đề này, ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, cho biết đang theo dõi thị trường và sẽ xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan trong thời gian tới. Theo ông Linh, vấn đề có thể phát sinh khi khách hàng mua voucher của các trang web nhưng lại sử dụng sản phẩm ở một đơn vị khác. Vì vậy, quan trọng là người cung cấp sản phẩm và người bán voucher phải có trách nhiệm với nhau, với khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại TPHCM, cho rằng đây là một ngành mới thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử. Vì vậy, các sở, ngành liên quan nên cùng nhau bàn bạc đưa ra quy định phù hợp cho thị trường. “Hiện có một số công ty vì quá tham bán hàng khiến bên cung cấp sản phẩm bị quá tải, khách hàng phàn nàn. Về lâu dài, thị trường sẽ quyết định ai tồn tại” – ông Dũng nhận xét.

 Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết: Đây là một dạng của thương mại điện tử nên việc quản lý không chỉ là tuyên truyền mà còn xử lý vi phạm nếu có. Hiện các quy định pháp lụât về quản lý hình thức kinh doanh này chưa đầy đủ nhưng cũng có thể dựa trên các luật hiện hành, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để quản lý. Sở Công Thương TPHCM chuẩn bị kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hoạt động của các DN có website mua rẻ theo nhóm...

Về quản lý thuế, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết đầu năm 2011, Cục Thuế TPHCM có kiểm tra công tác khai, nộp thuế của một số DN bán hàng qua mạng, qua truyền hình nhưng chưa kiểm tra các DN bán hàng theo nhóm. Loại hình kinh doanh này khá mới nên sắp tới, Cục Thuế sẽ giao cho một bộ phận theo dõi, xem xét tình hình kê khai và nộp thuế của các DN.

Website biến mất, khó khiếu nại

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Tổng Thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết: Người tiêu dùng mua phiếu giảm giá tại các website, thanh toán tiền cho website nên nếu xảy ra vấn đề gì về chất lượng hàng hóa dịch vụ, họ chỉ có thể trực tiếp khiếu nại website. Trường hợp không liên lạc được với website hoặc website biến mất sau khi phát hành một lượng lớn phiếu, người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại nhà cung cấp vì họ không trực tiếp thu tiền của khách hàng.

Cũng theo luật gia Phan Thị Việt Thu, với hình thức kinh doanh còn khá mới mẻ này, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về website, nhà cung cấp trước khi đặt mua phiếu; thận trọng khi mua hàng hóa dịch vụ có giá trị cao. Nếu mua cần yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ đầy đủ…

 
THANH NHÂN–THÁI PHƯƠNG