Tin tức chuyên ngành

Sợ mất việc, công nhân sớm trở lại nhà máy

Thứ ba, 19/02/2013, 09:16 GMT+7

(tonvanshellbuttons.com.vn) - Năm nay tỉ lệ công nhân bỏ việc sau Tết ít hơn các năm trước. Nguyên nhân là do rất nhiều công nhân không về quê ăn Tết, cộng với tâm lý sợ mất việc và nhiều công ty cho xe về tận quê đưa rước lao động trở lại làm việc sau Tết.

Ước vọng đầu xuôi đuôi lọt 
 

“Vào đến nhà máy kịp ngày sản xuất là em mừng lắm. Dọc đường tai nạn xe kinh hoàng quá. Phải mất 26 giờ đồng hồ em mới vào được tới đây", công nhân Văn Quang Thái, quê Thừa Thiên - Huế, làm việc ở khâu vắt sổ sườn tại Công ty may Mùng 3 tháng 2 (Bình Dương) nói. Mặc dù sáng mùng 9 Tết, công ty mới làm việc trở lại, tuy nhiên từ tối mùng 6 Tết, Thái đã ra bắt xe để vào Nam.

Thái kể, vợ anh vừa sinh con nhỏ nên năm nay anh quyết "cày bừa" để có tiền trang trải cuộc sống. “Ước mơ lớn nhất của em là làm lụng đủ tiền mua một miếng đất nhỏ để cùng vợ con lập nghiệp tại Bình Dương”, Thái nói.

Ngày 18/2 đã có hơn 90% công nhân Công ty may Mùng 3 tháng 2 (Bình Dương) trở lại làm việc

Trong khi đó, nữ công nhân Nguyễn Thị Thùy Linh, 23 tuổi, quê Bến Tre, làm việc cùng công ty với Thái chia sẻ: “Năm nay em không nghỉ Tết 'nướng' như người ta vì em đã quyết tâm là phải làm cật lực để sắm một chiếc xe máy, sau đó là dành dụm tiền để lấy chồng. Năm mới khởi công đúng ngày giờ, đầu xuôi thì đuôi mới lọt”.

Ông Nguyễn Hồng Anh, quản lý nhân sự tại Công ty may Mùng 3 tháng 2 cho biết, có đến 95% công nhân có mặt tại công ty trong ngày 18/2. Tỷ lệ này cao hơn mọi năm và đây là một tín hiệu tốt, thuận lợi cho công ty hoàn thành nhanh những đơn hàng đầu năm.

Sẽ không khủng hoảng lao động?

Thống kê vào chiều ngày 18/2 của Công đoàn các KCN Bình Dương cho thấy, đã có khoảng 87% công nhân trở lại các công ty làm việc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán (năm trước tỷ lệ này chỉ có 80%). Một số doanh nghiệp có tỷ lệ công nhân trở lại làm việc ngày đầu tiên cao như công ty TNHH Triumph VN 3.400/3.500 lao động (đạt 97%), công ty TNHH Framas VN 600/630 (đạt 95%), công ty Sung Vina 3.845/4.320 (đạt 89%), công ty TNHH Pung KooK SG II 4638/5190 (đạt 90%)… Năm nay, tình hình biến động lao động sau Tết của các doanh nghiệp thuộc ngành giày da nhìn chung thấp hơn mọi năm.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN Bình Dương, nhận định: Năm nay đông công nhân trở lại làm việc vì một lượng rất lớn công nhân không về quê. Ngoài ra, các công ty thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút công nhân như: cho xe về quê đón người lao động trở lại Bình Dương, tổ chức lì xì đầu năm… Hơn nữa, phần đông công nhân đã “nếm” được vị đắng của tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty thu hẹp sản xuất, nên chủ động trở lại nhà máy sớm, đúng ngày khởi công vì sợ mất chỗ làm...

Công đoàn các KCN Bình Dương dự báo, Bình Dương sẽ không xảy ra hiện tượng khan hiếm lao động trầm trọng sau Tết như các năm trước. Đa phần các công nhân hiện chưa trở lại nhà máy đều đã xin nghỉ phép thêm và được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, một số công nhân chưa vào làm việc kịp vì gặp khó khăn về tàu xe.

Công nhân tại một công ty chuyên sản xuất bếp gas tại KCN Đồng An (Bình Dương) đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Đối với Đồng Nai, hầu hết lao động cũng đã trở lại nhà máy. Đặc biệt công ty Pouchen, có đến 98,4% trong tổng số 19.800 công nhân đã có mặt đúng ngày giờ tại công ty. Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, thị trường lao động của tỉnh năm nay sẽ không biến động nhiều. Nếu có xảy ra tình trạng bỏ việc, phần lớn cũng chỉ rơi vào số lao động thời vụ. Đối với công nhân “chuyên nghiệp”, nếu bỏ ngang công việc người công nhân sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc và bảo hiểm thất nghiệp, 2 khoản này cũng khá đối với lao động đã làm việc từ một năm trở lên, vì thế dự báo tỷ lệ bỏ việc sẽ không đáng kể, nằm trong ngưỡng dao động chung của thị trường lao động.

TP.HCM: “Khát” lao động cỡ nào?

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong tháng 2 và 3/2013, TP.HCM cần 45.000 lao động ổn định và 8.000 lao động thời vụ. Dự kiến mỗi quý cần khoảng 70.000 chỗ làm việc, tập trung vào những ngành nghề cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa chất, marketing và những ngành có chất lượng cao. Đến quý 4, lao động dần ổn định hơn và lúc này cần khoảng 65.000 chỗ làm việc.

Theo phân tích của các cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu kinh tế - xã hội TP.HCM, trong quý 1/2013, thị trường lao động thành phố tiếp tục xu hướng phát triển ổn định. Sự thiếu hụt lao động sau Tết chỉ là cục bộ trong một số nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt - may, chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ phục vụ…, đa số cần nhu cầu lao động trung cấp, sơ cấp nghề, lao động phổ thông.


Người viết : admin