Tin tức chuyên ngành

Việt Nam làm gì nếu kinh tế thế giới suy thoái?

Thứ ba, 25/10/2011, 10:27 GMT+7

Nếu kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam sẽ làm gì? Liệu Việt Nam đã nên nghĩ đến một gói kích cầu mới hay không?

Ngày 23/10, Hội nghị thượng đỉnh các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu diễn ra tại Brussel (Bỉ) trong bối cảnh các nước lớn tại châu Âu vẫn đang bất đồng về cơ chế quỹ cứu trợ tài chính cho các nước yếu và hệ thống ngân hàng đang khó khăn thanh khoản trong khu vực. Trong khi đó, kinh tế Mỹ và Nhật chưa có tín hiệu rõ nét nào về một sự phục hồi. Những biến động khó lường của các nền kinh tế phát triển đang có tác động dây chuyền đến các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

 
Để ứng phó với các rủi ro này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Do vậy, việc phân tích tình hình kinh tế Việt Nam, dự báo diễn biến kinh tế thế giới và đo lường mức độ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước là một yêu cầu đặt ra cho các cơ quan hoạch định chính sách.
 
Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” vừa được tổ chức tuần qua tại Hà Nội đã là diễn đàn sôi nổi thảo luận về nhiều ý tưởng và khuyến nghị chính sách giúp cho các cơ quan quản lý tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách ứng phó với các rủi ro từ kinh tế thế giới trong năm 2012 và các năm tiếp theo.  
 
Việt Nam làm gì nếu kinh tế thế giới suy thoái?
(Ảnh: Internet)
 
Trong bối cảnh xuất khẩu sang các nước phát triển giảm, nguồn vốn từ bên ngoài suy giảm, liệu một gói kích thích kinh tế hay những biện pháp tương tự như năm 2008 có cần thiết cho các nước mới nổi như Việt Nam vào lúc này hay không? Đây là một vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại hội thảo vừa qua. 
 
Kinh tế thế giới suy giảm mạnh, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Vậy nên, cụm từ “kích thích kinh tế” lại một lần nữa được bàn luận sôi nổi. Bắt đầu từ câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia, ông Vũ Viết Ngoạn: “Có nước nào đang tính đến phương án kích cầu hay không?”. Thực tế, nhiều quốc gia có tính đến nhưng các nước vẫn còn ngần ngại và dò xét lẫn nhau. Dò xét xem cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu được giải quyết thế nào? Đó là nhận định của hầu hết các đại diện từ các tổ chức quốc tế lớn như ADB hay WB.
 
Theo ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam: “Tôi biết, nhiều quốc gia đã tính đến vấn đề này, nhưng hiện chưa có quốc gia nào thẳng thắn đề cập đến một gói kích thích cụ thể. Hiện, họ mới chỉ nỗ lực lành mạnh hóa chính sách của mình, tích lũy ngoại tệ... để tạo bước đệm chống đỡ các cú sốc. Các nước vẫn đang trông chừng vào diễn biến kinh tế toàn cầu, cụ thể là Mỹ và châu Âu”.
 
Ông Dominic Patrick Mellor, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB cho hay: "Các nước lạm phát thấp còn có khả năng tính đến các gói kích thích chứ lạm phát mà cao thì khó có thể nghĩ đến một gói kích thích tăng trưởng kinh tế”.
 
Vậy nếu kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam sẽ làm gì? Liệu Việt Nam đã nên nghĩ đến một gói kích cầu mới hay không. Vẫn là câu hỏi từ Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia. Câu hỏi nhận được sự tranh luận sôi nổi cả hội thảo:
 
Ông Alan Phạm, chuyên gia Kinh tế của VinaCapital cho rằng: “Có thể nghĩ đến kích thích kinh tế, nhưng nên kích thích vào một số ngành cụ thể, những ngành mũi nhọn, phục vụ sản xuất kinh doanh, những ngành như nông nghiệp, thủy sản. Nhưng phải thực hiện trên từng khoản vay, nếu thấy thực sự có hiệu quả thì mới trợ giúp lãi suất”.
 
Ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB bày tỏ: “Khó mà có thể làm được điều đó, vì làm thế nào mà phân biệt được ngành nào là ngành chuyên về sản xuất kinh doanh, ngành nào hoạt động tốt hơn ngành nào. Tôi nghĩ không bao giờ tranh luận được hết vấn đề này đâu”.
 
Trả lời câu hỏi của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính Quốc gia: “Bộ tài chính có tính đến phương án tương tự nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái không? Đại biểu đến từ Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam hiện vẫn chưa đặt ra kế hoạch kích thích kinh tế:
 
“Chưa đặt kế hoạch kích thích mà tập trung vào kinh tế - xã hội 5 năm, xu hướng là tạo ra một không gian tài khóa đủ rộng để đối diện với bất ổn kinh tế thế giới… bội chi ngân sách giảm dần” - Ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính nói. 
 
Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng vừa hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 và 2012 xuống còn 4%. Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc nhanh chóng do những bất ổn tại châu Âu. Mặc dù chưa có quốc gia nào trên thế giới đưa ra một gói kích thích kinh tế giống như năm 2008, song mỗi nước đều đang chuẩn bị những chính sách ứng phó phù hợp cho riêng mình để sẵn sang đối mặt với những thách thức hiện nay.
 
Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc nền kinh tế là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra. Trong đó, một trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế lúc này là tái cấu trúc bộ phận ngân hàng theo hướng giảm khối lượng và tăng quy mô. Đây là nhiệm vụ của nền kinh tế Việt Nam được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh trong một hội thảo diễn ra tuần qua. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém cũng là đề xuất chính sách được Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các nhà khoa học các viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đồng loạt đề xuất trong hội thảo.
 
Song không chỉ có tái cấu trúc ngành ngân hàng, mà cải cách doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công là hai trong 3 trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế đã được Nghị quyết Trung ương 3 mới đây xác định rõ. Nhưng tái cấu trúc như thế nào là vấn đề nhận được nhiều tranh luận sôi nổi của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước trong hội thảo. Giải quyết rốt ráo cải cách này được xem là định hướng cho nền kinh tế Việt Nam trước các khó khăn nội tại và các biến động khó lương của kinh tế thế giới lúc này.
 
Đề xuất của TS Trần Xuân Giá về việc kiên quyết bán các DNNN, các dự án đầu tư công mà Nhà nước không cần nắm đã ngay lập tức hâm nóng cuộc thảo luận tại hội trường.
 
Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị: "Nhà nước bán đứt, thậm chí bán lỗ các công trình, dự án đang dở dang mà thấy trước Nhà nước không cần nắm, tư nhân làm tốt hơn, nên bán, bán đứt để lấy tiền làm việc cần thiết".
 
"Bán" là ý kiến nhận được sự nhất trí cao độ. Nhiều dự án đầu tư công dù không hiệu quả, dù chưa huy động được đủ nguồn vốn nhưng vẫn được các DNNN, các địa phương triển khai để “giữ chỗ”. Hệ lụy là rất nhiều dự án đang dở dang, đắp chiếu nằm chờ vốn.
 
Về quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đồng tình: "Đối với các dự án đó, kể cả triển khai rồi, nếu bán phải bán, nếu không cũng phải cắt. Vì nợ công trên GDP vẫn cao. Nếu trước mắt chúng ta không giảm, để đảm bảo không ảnh hưởng khả năng trả nợ sau này phải cắt".
 
"Bán”. Nhưng bán gì? Và bán như thế nào lại đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng.
 
Theo ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB: "Không nên đánh đồng mà cần phân loại rõ các DNNN. Các doanh nghiệp nào cung cấp các dịch vụ thiết yêu dân sinh như điện thì chưa nên vội vàng. Nhưng các DNNN kinh doanh thuần túy thì Chính phủ nên bán càng nhanh càng tốt để tạo lợi nhuận, giảm chi tiêu công".
 
Bán hay cổ phần hóa DNNN đã được xác định là chủ trương chiến lược, nhưng thực hiện  lại rất ì ạch. Một nguyên nhân là sợ thua thiệt khi bán tài sản Nhà nước.
 
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đặt ra câu hỏi: "Vấn đền là bán thu tiền cho ngân sách hay bán để kinh tế hiệu quả hơn? Cái nào ưu tiên hơn".
 
"Bán là phải thu tiền cho ngân sách, nhưng không nên quá đặt nặng. Cần phải có cái nhìn là cho tương lai 5 năm sau, 10 năm sau. Nếu ta tiếp tục bỏ tiền nuôi những doanh nghiệp không hiệu quả đó thì còn không bằng bán" - là ý kiến của ông Lê Xuân Bá – Viên trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW.
 
DNNN ở bất kỳ nước nào cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề về quản trị. Tại Việt Nam, vấn đề này lại đặc biệt quan trọng khi DNNN hiện chiếm tỷ trọng cao trong cả nền kinh tế. Chính vì vậy, tái cấu trúc DNNN và đầu tư công đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi các thách thức nội tại và quốc tế lúc này.
 
Tái cấu trúc kinh tế không phải là một cụm từ mới. Nhưng chưa bao giờ nó lại được nhắc nhiều như lúc này, và chưa bao giờ nhận được quyết tâm chính trị cao như lúc này. Nghị quyết Hội nghị lần 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua đã nhấn mạnh một nội dung quan trọng là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Nhiều chuyên gia tại hội nghị cũng nhất trí cao với chủ trương này như một quy luật tất yếu – sau một thời gian dài phát triển nhanh cần đánh giá lại tổng thể và đổi mới nền kinh tế còn nhiều yếu kém để tiếp tục có bước phát triển bền vững hơn những năm tới. Điều này càng cấp bách khi kinh tế thế giới đang biến động khó lường. 

Người viết : Trần Hà - Minh Hường