Tin hoạt động

Việt Nam tái đắc cử vào Ủy ban Điều phối WIPO

Thứ năm, 29/09/2011, 11:08 GMT+7

Cộng đồng sở hữu trí tuệ thế giới trong những năm tới sẽ phải đối phó với ba thách thức lớn là quản lý nhu cầu về sở hữu trí tuệ, đăng tải nội dung văn hóa trên mạng Internet và hỗ trợ các nước đang phát triển sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào mục đích khuyến khích khả năng đổi mới và sáng tạo của những nước này.
 

Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 49 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), diễn ra trong các ngày từ 26/9 đến 5/10 tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ.

Với chủ đề "Khuyến khích sáng tạo và đổi mới," Hội nghị thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ 184 quốc gia thành viên.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, dẫn đầu.

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam nhấn mạnh sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng giúp khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tạo động lực chính cho phát triển. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với WIPO và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm đối phó với các thách thức mà WIPO đang và sẽ phải đối mặt.
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 49 của Đại hội đồng WIPO. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)


Cũng tại khóa họp lần này, Việt Nam tiếp tục được bầu vào Ủy ban Điều phối của WIPO nhiệm kỳ 2012-2013.

Bên lề hội nghị, đoàn Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với Cục Sáng chế Nhật Bản và Viện Sở hữu Trí tuệ quốc gia Pháp. Các buổi tiếp xúc này đã giúp mở ra hướng hợp tác mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam với Pháp và Nhật Bản sau một thời gian gián đoạn.

Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.

Ông Trần Việt Hùng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết đây là văn kiện hợp tác đầu tiên được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đánh dấu mức độ hợp tác cao hơn giữa hai nhà nước trong lĩnh vực này. Việc triển khai bản ghi nhớ này sẽ đem lại hiệu quả cao, hỗ trợ sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam./.
 
(TTXVN/Vietnam+)